Auto Translate
Email Bản in

Sức mạnh của cầu nguyện

Trong tất cả chúng ta ai cũng đã từng ít nhất cúi đầu cầu nguyện, cầu xin đấng tối thượng của mình. Nếu là Phật tử thì cầu xin Đức Phật và Bồ tát, nếu là con chiên thì cầu xin Chúa Giesu…. Chỉ cần chúng ta có đức tin.

Người Thầy đã chỉ cho tôi biết rằng, tâm linh là một trong bốn loại phạm trù không thể dùng khoa học để chứng minh. Vậy làm sao có thế biết ta đang cầu nguyện đúng hay sai? Linh ứng hay không linh ứng? Điều ta cầu nguyện liệu có tới được đấng tối cao? v.v… Khi đứng trước những điều mình muốn cầu xin, chúng ta thường hay đặt ra những câu hỏi mang tính chất hoài nghi.

-    Cầu nguyện có kết quả không.

-    Có lúc cầu nguyện được như ý nhưng cũng có lúc lại không được gì. Phương thức nào để cầu nguyện có hiệu quả.

-    Thắc mắc ông trời đã định sẵn như vậy thì cầu nguyện có ích gì, có thay đổi được gì hay không.

-    Trong trường hợp không được thì liệu rằng có phải lòng tin của chúng ta chưa đủ lớn và vững chắc.

-    Khi cầu nguyện chúng ta sẽ cầu ai, sẽ đến ai lời thỉnh cầu này.

Sự ham muốn về vật chất cũng như tinh thần của con người là vô hạn, cái bản ngã nó to lớn vô cùng, chính vì vậy trong lúc cầu nguyện chúng ta cũng không tránh khỏi sự mong muốn cực đại. Nếu như có một phương thức cầu nguyện cụ thể, tin rằng sẽ có rất nhiều người sẵn sàng mua với giá rất cao. Chỉ tiếc trên đời này không có một “công thức” cụ thể cho sự cầu nguyện.

Khi cuộc sống không được như ý, chúng ta thường than van và cầu nguyện cho bớt khổ đau, nếu có chồng con thì cầu nguyện cho con cái thông minh, giỏi giang hơn người, cầu cho chồng yêu thương nhiều hơn, nếu kinh doanh buôn bán thì cầu cho làm ăn phát đạt, mua may bán đắt, nếu ai đó còn sống chung với cha mẹ anh em cầu cho mọi người đừng rời xa mình  v.v…

Điều đáng bàn ở đây là chúng ta chỉ đang cầu cho mong ước của mình mà chưa gửi ngắm tình yêu thương thật sự tới những người này. Chúng ta sợ cảm giác mình là kẻ thua cuộc, sợ cảm giác bơ vơ mà cầu nguyện, tình thương ấy chỉ hướng về chính mình mà thôi.

Chúng ta không phải là những chú vẹt biết nói dưới hình hài của một con người. Chúng ta có tâm thức vì thế khi cầu nguyện phải biết tạo cho mình môt năng lượng nhất định. Như khi ta đề ga cho xe chạy, các bộ phận bắt đầu cần nạp năng lượng từ xăng…. Việc cầu nguyện cũng không nằm ngoài ý đó.

Năng lượng ở đây chính là lòng tin và sự thương yêu của chúng ta với mọi người. Nếu cầu nguyện mà không có lòng tin và gửi đi tình yêu thương thì cũng giống như chiếc xe ô tô kia muốn chạy nhưng lại không thể vì không có xăng… Việc cầu nguyện trở lên vô nghĩa và không có kết quả.

Hiện nay, tại các chùa hay tịnh thất, chúng ta đều thấy tổ chức các buổi tụng Kinh hoặc tu một ngày... Tụng như vậy có phải là cầu nguyện. Hiểu theo nghĩa rộng và sâu hơn thì tụng Kinh cũng là cầu nguyện.

Nguyện trú cát tường, dạ cát tường
Trú dạ lục thời hằng cát tường.
Nhất thế thời trung cát tường giả
Duy nguyện từ bi thùy gia hộ.

Hành động này không phải là vô cớ hay ước muốn viển vông mà nó là sự cầu nguyện có thực tập và chánh niệm. Ý niệm trong mỗi cá nhân được tổng hòa, để tạo một hiệu ứng hoàn hảo.

Đệ tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Tham, giận, kiêu căng
Si, mê, lầm, lạc
Ngày nay thờ Phật
Biết sự lỗi lầm
Thành tâm sám hối.

Đây có phải là một lời cầu nguyện? Không phải. Mà nó là một sự quán chiếu, soi xét  bản thân về những việc làm trong quá khứ, nay nhờ được gặp anh sáng từ bi của Phật mà thấy được những điều sai trái, lỗi lầm, từ nay sám hối tu tâm không mắc phải nữa. Mỗi ngày chúng ta đều tu tập, để cho thân không bệnh thật, tâm không khởi phiền não, an vui làm việc.

Trước khi chắp tay lạy, ta tự hỏi mình là ai? Người mà mình chuẩn bị cúi lạy kia là ai? Giữa hai con người này có mối quan hệ gì không. Nếu như trong suy nghĩ của ta, Đức Phật là người hoàn toàn “xa lạ” với mình thì cái lạy đó không ý nghĩa, không có chánh pháp. Cái “ngã” của ta và của Đức Phật bị tách rời khi ấy nó được gọi là cái lạy mê tín. Hãy để hai thực thể này hòa quyện vào nhau, Phật ở trong ta ta ở trong Phật, phải làm được điều này khi chúng ta cúi lạy.

Có rất nhiều người cho rằng tại sao tôi lại phải cúi lạy một pho tượng bằng xi măng, bằng đồng, thạch cao thậm chí có thể bằng ngọc hay bằng vàng vô tri vô giác. Không đúng, chúng ta đang cúi lạy tinh thần từ bi hỷ xả, cứu độ chúng sinh của Ngài. Cũng như vậy, mỗi sáng sớm tại quảng trường Ba Đình lộng gió đều có những buổi chào cờ và hát quốc ca, cho dù trời mưa hay nắng. Phải chăng ta đang giơ tay chào một mảnh vải màu đỏ có gắn ngôi sao năm cánh. Không. Tôi đang nghiêng mình trước Tổ quốc, trước những con người hi sinh cho đất nước này và chào cho tinh thần yêu nước của mọi người dân. Tất cả những thứ đó chỉ là biểu tượng mà thôi.

Mỗi lần thân thể đau đớn vì những căn bệnh trong người tôi đều gọi bà nội của mình. Bà là người sống gương mẫu và ăn uống khoa học nên bà sống rất thọ. Tôi gọi bà ơi tới cứu con với, con đang rất đau bà ạ. Không có bà làm sao có bố không có bố làm sao có tôi, tuy bà đã khuất núi trước đó vài năm nhưng trong thân thể này vẫn đang hiện diện những tế bào, những dòng máu đỏ của bà. Khi nghe tôi cầu cứu những tế bào này tỉnh thức và đưa tôi trở lại bình thường tuy nhiên tự bản thân mình phải biết quán chiếu, mình đã sống như thế nào để ra như thế này, cần thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp cho xứng đáng với việc cầu nguyện.

Muốn gửi lời cầu nguyện cho ai đó tất yếu phải có lòng yêu thương. Trong mùa thi tuyển sinh quốc gia năm vừa qua tại trường tôi, tôi cảm giác bất an lắm. Mọi người mọi bộ phận đã chuẩn bị sẵn sàng đón 5.000 thí sinh dự thi, tuy nhiên năm nào cũng có ít nhất từ hai đến ba cán bộ bị đình chỉ vì vi phạm quy chế với những lỗi hết sức sơ đẳng nên tôi thấy không mấy yên tâm, mà ngày thi đã gần kề, ai nấy đều căng thẳng và lo lắng. Nếu như trong quá trình làm, có sai sót sẽ bị kỷ luật và đình chỉ công tác ngay. Ai cũng ý thức được việc này và hạn chế tối đa những việc làm ảnh hưởng tới uy tín của nhà trường. Sau khi tụng một thời kinh tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin gửi tình yêu thương này tới tất cả Thầy cô, anh chị em cán bộ nhân viên những con người đang ra sức phục vụ mùa thi gay go và căng thẳng, mong họ luôn tinh tấn để hoàn thành việc họ được giao phó. Tôi cầu nguyện cho những thí sinh dự thi đủ tự tin để làm bài tốt với những gì họ được học. Tôi gửi toàn bộ những năng lượng này cho họ và sau đó tôi đọc tên từng người.

Tôi cảm nhận được điều mình cầu nguyện từ trong lòng mình, còn việc những con người ấy có nhận được năng lượng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nếu như họ cẩn thận và làm việc hết mình thì sự cầu nguyện của tôi sẽ nhanh chóng có kết quả. Dù họ biết hay không thì tôi vẫn hàng ngày cầu nguyện cho họ. Sau hai ngày thi, mọi việc thật suôn sẻ, không ai bị kỷ luật, các điểm thi diễn ra nghiêm túc, điều mà từ trước tới giờ chưa từng có.

Dù cho cầu nguyện cho mình hay cho người thì cũng cần phải có đức tin, lòng tin và tình yêu thương nhất định. Khi trái tim tràn đầy yêu thương có nghĩa là năng lượng gửi đi sẽ vô cùng lớn, ấy mới là điều quan trọng.

Chúng ta cầu nguyện trong tư thế đứng, ngồi, quỳ hay nằm không quan trọng bằng việc sự cầu nguyện ấy có năng lượng của chánh niệm, của định, của từ của bi, nếu có những điều này thì việc cầu nguyện có thể được, hiệu quả có thể tức thời xảy ra cùng lúc với sự cầu nguyện. Trong trường hợp ta hành trì như vậy mà vẫn chưa có kết quả thì có lẽ đã thiếu “tình yêu thương” hoặc có nhưng chưa đủ.

Thời gian gần đây, khi chứng kiến cảnh cô bạn thân bị tai nạn bất tỉnh, tôi hoảng sợ, không biết làm thế nào. Lập tức tôi tìm chỗ có thể ngồi yên tĩnh để thân và tâm an ổn để có thể cầu nguyện. Tôi cầu nguyện rằng những gì cô ấy gặp phải hôm nay là nghiệp cô ấy phải trả, con chỉ cầu nguyện cho cô ấy có thể tỉnh lại. Nửa tiếng sau cô bạn tôi mở mắt và nước mắt giàn dụa. Máu bầm tụ màng não cũng không còn nữa, bốn ngày sau đó cô ấy xuất viện.

Trong lúc cầu nguyện tuyệt đối không lên để giận hờn, trách móc, ganh tỵ, hận thù, uất hận chiếm hữu mà hãy để tình thương, sự bao dung, độ lượng, tha thứ xuất hiện ngay cả với “kẻ thù”, có như vậy lời cầu nguyện mới đến tai Bồ tát được. Thực thể thân, khẩu, ý nếu như không thống nhất e rằng sẽ chẳng có nguồn năng lượng nào được chế tác.

Mỗi năm tết đến xuân về chúng ta hay cầu nguyện, sức khỏe dồi dào, làm ăn thịnh vượng, trên thuận dưới hòa. Một lời chúc hoàn hảo nhưng thử nghĩ lại nếu như mọi thứ hoàn hảo như vậy liệu con người chúng ta còn có chất “đề kháng” cho cuộc sống hàng ngày. Tất cả chỉ là tương đối. Vì vậy khi cầu nguyện không nên đòi hỏi quá.

Tôi không phung phí và dễ dãi đối với sự cầu nguyện của chính mình. Tôi chỉ cầu nguyện khi thật sự cần thiết, đơn giản bởi những gì khó khăn và vất vả hôm nay là một phần của nghiệp báo mà ta phải trả. Hãy vui vẻ trả để thấy lòng mình thanh thản, nhưng đừng bao giờ thờ ơ với nỗi đau và sự bất hạnh của người khác. Đưng để sự bận rộn làm chúng ta quên hoặc không đủ thời gian nói câu “cảm ơn hay làm ơn”.

Huệ Văn

(Theo www.phattuvietnam.net)

Cám ơn Quý khách đã dành thời gian ghé thăm website
QUATANGPHONGTHUY.COM.VN và đọc bài viết này

Tag: phật, pháp, qua tang phong thuy, quà tặng phong thủy, thanh chau, thanh châu, tượng mạ vàng, tuong ma vang

 

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận