Đỗ đen hay còn gọi là ô đậu, hắc đại đậu, hương xị có chứa sinh tố A, B, C, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng acid amin trong đậu đen cũng rất cao. Theo y học cổ truyền, đậu đen có tính ôn, vị ngọt, có tác dụng giải độc, bổ thận, bổ huyết, nếu ăn trong thời gian dài da dẻ hồng hào.
Vào những ngày hè nóng nực, đậu đen rất được các gia đình ưa dùng, thường để nấu chè, rang lên đun nước uống hay nấu cháo đỗ đen ăn cũng rất mát, nhẹ bụng, hoặc rang lên rồi xay mịn làm bột ngũ cốc uống vào các bữa sáng tối.
Cũng như các loại chè đỗ khác, bí quyết đầu tiên để có nồi chè đỗ đen thơm ngon hấp dẫn là phải chọn đỗ đen hạt đều, vỏ mỏng, có màu đen óng. Khi mua đỗ đen không nên lựa hạt to, màu vỏ nhợt nhạt hay rổ đỗ đen hạt không đều.
Đừng vội cho rằng nấu chè có gì mà khó, chỉ cần ninh đậu mềm, cho đường, đun kỹ đến khi tan là xong. Tuy nhiên, để hạt đậu không nát nhừ hay lòng đậu cũng có vị ngọt lại cần có bí kíp riêng.
Trước tiên, phải vuốt và rửa đậu khoảng hai lần, sau đó ngâm đậu, vớt bỏ những hạt nổi lên trên. Tiếp đến cho đậu vào nồi, để lửa to, rang đậu khoảng chừng 10 phút cho đến khi bề mặt ngoài hơi nhăn lại, lúc này bạn mới cho nước. Đây là bí quyết nước chè đen sánh, đỗ nhanh nhừ.
Nếu có nồi áp suất, hãy tận dụng để tiết kiệm thời gian, nếu không hãy đun trên bếp với lửa vừa phải. Khi hạt đậu mềm, chắt nước ra để riêng rồi trút đường vào đậu. Với 1kg đậu cần khoảng 600g đường hoa mai.
Ướp đậu với đường chừng nửa giờ rồi cho lên bếp sên với lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng đũa khuấy nhẹ để đậu ngấm kỹ đường và không cháy. Tiếp tục đun chừng 15 nữa, sau đó mới trút nước đậu vào. Có thể thêm nước và đường tùy thích.
Trời nóng, ăn một cốc chè đỗ đen mềm, bùi bùi, ngọt thoang thoảng cùng với ít thạch đen, nước cốt dừa hay dừa sợi sẽ xua tan hết mọi oi bức, ngột ngạt.