Mỗi tháng nhóm của chị Hưng lên chùa cúng dường một lần, đều có tiếng xuýt xoa khen ngợi từ quý thầy và quý Phật tử. Chị nấu buffet hàng mấy chục món, bày biện sang trọng đẹp đẽ, nêm nếm vừa miệng, dĩ nhiên là phải được khen. Nhưng chính điều đó đã làm dấy lên lòng bực tức của một nhóm Phật tử khác cũng thường nấu ăn cho chùa. Nhóm này do chị Thu đứng đầu, nhà gần chùa nên lui tới mỗi ngày, phụ trách cả những tiệc lớn như lễ Phật đản, Vu lan, rằm tháng Giêng… Tuy nhiên, do chị tự học nấu ăn, bày biện theo kiểu xưa, nên quanh đi quẩn lại cũng chừng bao nhiêu món, ai cũng thấy quen mắt, quen vị. Vì thế nên khi nhóm chị Hưng nấu ăn, nhất quyết phải thay đổi món, lẫn khẩu vị và cách trưng bày để tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn. Vô tình, trong tiềm thức của hai nhóm là sự cạnh tranh tay nghề với nhau. Mà có cạnh tranh thì có tiến bộ, ai cũng cố gắng hơn, đạt hiệu quả hơn. Nhưng rồi không thể tránh khỏi những câu nói hờn mát, dò xét, rõ ràng không giấu được sự bực bội, hơn thua…
Một hôm tôi rủ chị Hưng cúng dường ngôi chùa khác, có vị Hòa thượng và vài chục Tăng chúng, thường ngày sống rất đạm bạc nhưng làm nhiều công trình nghiên cứu thật nổi tiếng. Chị Hưng và bạn bè hăm hở làm cả chục món cũng “hoành tráng” như vậy. Nhưng bất ngờ, khi lên quá đường, Hòa thượng dạy Tăng chúng: “Ăn ngon sẽ khó tu, vì ăn ngon thì sau này ăn dở nuốt không vô, các con nên cảnh giác”. Thay vì lời khen như ở chùa khác, thì nơi đây Hòa thượng “giáng” cho một câu làm mấy chị… cụt hứng. Một số gương mặt xịu xuống. Và bữa ăn trôi qua trong êm đềm, chứ không rộn ràng xuýt xoa như nơi khác. Cuối cùng Hòa thượng tiễn chúng tôi ra về bằng một nụ cười nhân hậu nhưng thanh thản như không.
Một góc trai đường của chư Tăng hệ phái Khất sĩ
Suốt đêm đó, tôi cứ văng vẳng lời Hòa thượng dạy chúng, và bỗng bừng sáng trong lòng. Thì ra, chúng tôi cũng được cảnh tỉnh nữa. Cảnh tỉnh về sự lăng xăng trong tâm mình. Mình nấu ăn mà vẫn muốn thể hiện cái bản ngã, muốn hơn thua với đồng nghiệp, muốn nhận được lời khen. Và mình nấu ngon, tưởng giúp ích cho chư Tăng, nhưng biết đâu vô tình hại các vị sanh tâm phân biệt dở ngon thì mình có tội chứ chưa chắc có phước. Hòa thượng nói không sai, đâu phải vị nào đạo lực cũng cao, nếu lỡ có vị đạo lực yếu, ăn món ngon mà dính mắc, rồi sanh tâm khen chê ngon dở, mình có ân hận không? Nấu ngon là chuyện dĩ nhiên, nhưng cả người nấu lẫn người ăn đừng nên để dính mắc. Người nấu dính mắc vào tiếng khen, vào hơn thua. Người ăn dính mắc vào vị vào hương vào sắc trên bàn tiệc. Thế là đôi bên cùng thất bại.
Giật mình, rồi sáng lòng sáng dạ. Từ nay xin các chị nấu ăn cho ai cũng thanh thản nhẹ nhàng, nấu rồi phủi tay, nghe tiếng khen thì gật đầu rồi bỏ. Nghe tiếng chê cũng đừng hờn giận, chỉ ráng cải tiến cho vừa miệng thì thôi. Và tôi đã bớt “hoa hòe hoa sói” mà chỉ nấu những món quen thuộc bằng chất liệu tự nhiên để quý thầy ăn đỡ độc hại. Mỗi lần cúng dường chỉ vài ba món, đúng với luật của người xuất gia là “tam thường bất túc”. Tất nhiên nhóm bạn của chị Hưng ban đầu xuất phát từ ý tốt là làm món ăn thật ngon, đẹp, hấp dẫn, để thuyết phục người ta bỏ ăn mặn mà quay về ăn chay. Nhưng cúng dường cho người xuất gia thì phải khác, có khi phải làm chừng mực thôi để chư Tăng còn nhiếp tâm chánh niệm. Bởi chỉ một niệm tham khởi lên, đã phải ăn năn sám hối rồi.
Và tôi không chỉ cúng dường một chùa nữa, mà cúng nhiều chùa, đem thức ăn tới xong liền đi ngay, có khi không nói tên mình ra, quý thầy hay quý sư cô có hỏi thì chỉ trả lời con là Phật tử ở quận 4. Tự nhiên thấy lòng nhẹ tênh như một áng mây, bay khắp nơi mà không trụ vào đâu, không nghe khen nhưng cũng không sợ ai đó ghét ghen, ganh tị. Làm như xong bổn phận phải làm, chứ chẳng phải công lao gì to tát.
Muôn vàn tri ân vị Hòa thượng đã cảnh tỉnh chúng con trong những điều vi tế như vậy. Cuộc sống quá rộn ràng, hiện đại, có lúc chúng con chạy theo, tưởng mình là tiến bộ, và Hòa thượng là “ông cụ xưa” không thích nghi nổi. Nhưng chỉ cần ngài kéo chúng con lại trong một tích tắc, là chúng con không bị sa chân. Tâm mình thăm thẳm hố sâu mà mình đâu có biết. Niệm này nối tiếp niệm kia, bát phong thổi ngày đêm âm thầm nhưng mạnh mẽ. Cho nên mới làm Phật sự thì lặng lẽ, hiền lành, khiêm tốn, lâu ngày thành giỏi giang, chuyên nghiệp thì bắt đầu dính mắc khen chê, cạnh tranh, chia phe nhóm cát cứ chùa này, vùng nọ. May nhờ duyên lành cho chúng con gặp vị tôn túc để chúng con được cảnh tỉnh kịp thời. Và cũng cảm ơn những ngày niệm Phật, học pháp, huấn luyện tâm trí cho sáng suốt hơn lên, nếu không, Hòa thượng có dạy bao nhiêu mình cũng không nhận ra được, và cũng không nhận ra vọng tưởng điên đảo trong tâm mình. Không nhận diện được tâm thì bài pháp nào cũng là lý thuyết vô ích mà thôi!
Hóa ra, nấu ăn đâu chỉ là nấu ăn. Vô bếp đâu chỉ với khói và lửa. Chỗ nào cũng tu, lúc nào cũng tu, chỗ nào cũng theo dõi tâm, lúc nào cũng theo dõi tâm. May mắn là gặp được thiện tri thức để được dạy bảo. Đó là thuận duyên chứ còn gì nữa! Có tiền để nấu. Có sức để nấu. Có tài để nấu ngon. Có bạn bè đông đảo cùng góp tay ủng hộ. Có Hòa thượng dạy dỗ khi tâm bắt đầu lừng lẫy. Ngẫm nghĩ bấy nhiêu đó mà cảm ơn cuộc đời không kể xiết!
Diệu Kim
(Theo giacngo.vn)