Chúng ta quan sát những người cúng dường chùa này đến chùa khác và cuối cùng kết quả họ nhận được như thế nào, sẽ biết họ cúng dường đúng theo Phật pháp hay là đã lạc vào đường tà. Nếu cúng dường nhiều, nhưng tài sản mất trắng và trở thành nghèo đói, oán hận, không cúng nữa, chúng ta biết người này sẽ đọa địa ngục và tướng địa ngục đã hiện ra, vì tướng phước thứ năm của con người là tài sản đã bị mất và nghèo đói. Thời Đức Phật tại thế, người cư sĩ nổi tiếng với hạnh cúng dường là ông trưởng giả Cấp Cô Độc, ông càng cúng dường càng sinh phước báo, nên đời sống vật chất càng sung mãn hơn.
Vì vậy, phải xét lại tâm của người cúng dường và người thọ lãnh cúng dường. Người cúng và người nhận đều không thanh tịnh thì hai tâm này thường tương ưng với nhau, nên dễ gặp nhau. Muốn cầu Phật, muốn gặp Phật, nhưng lại gặp ma gia Phật là vậy. Đức Phật dạy chúng ta cúng dường phải có tâm thanh tịnh trước mới tương ưng với Phật, Bồ tát, Thánh hiền và các Ngài mới dẫn lối đưa đường cho chúng ta đi đúng tuyến để gặp được thầy hiền bạn tốt trên thực tế cuộc sống. Khi khởi tâm cúng dường, xem tâm của người dẫn ta đi cúng như thế nào, phước báo của họ ra sao; nếu họ tốt và dẫn ta đi đến chỗ tốt là biết đúng. Còn chúng ta khởi tâm xấu, tức tâm ma sẽ gặp người dẫn chung ta đến với ma; nói cách khác, mình xấu mới hạp với ma và hai tâm xấu gặp nhau là sai pháp thì tưởng mình làm phước lại thành tạo tội. Những người như vậy thường nói “Tôi cúng nhiều, nhưng hết tiền rồi, không cúng nữa”; họ đã phạm tội phá pháp, vì họ không thanh tịnh và cúng cho người tu giả dối, nên kết quả họ gặp khó khăn, buồn khổ và người nhận cũng khổ, khiến cho người khác hiểu lầm pháp cúng dường là tệ hại như vậy.
Cúng dường xong nên kiểm tra xem tâm chúng ta có bất mãn hay không. Phần nhiều các Phật tử thường phạm sai lầm này. Được hướng dẫn đến thầy đó, chùa đó để cúng dường, lúc đi thì thích cúng dường; nhưng khi chạm thực tế, thấy vị này, chua này không tốt giống như chúng ta nghĩ, mà cũng phải cúng là bất đắc dĩ cúng dường thì cúng dường rồi sanh tâm bực bội, bất mãn. Cúng dường như vậy chắc chắn chẳng có phước gì cả mà còn tạo tội. Hoặc Phật tử cúng dường trai tăng thỉnh quý thầy, nhưng đứng lạy ở trai đường thấy những vị mình kính mến không đến, chỉ có … , nên buồn phiền, bực tức nổi lên. Phải tự biết tâm mình như thế nào đó mà phước không sinh, nhưng nghiệp đã sinh, khiến cho các vị chân tu không đến và khiến ta bất mãn. Nghiệp đến đâu thì sẽ đọa đến đó. Nếu khởi tâm tốt, nhưng lại gặp ma dẫn đến chỗ không tốt tác động chúng ta phiền não, là biết đã hư pháp; chỉ còn cách trụ tâm lại để giữ cho tâm thanh tịnh là chính, không quan tâm đến việc khác; còn khởi phiền não chẳng sửa đổi được gì cả, mà chỉ làm cho mình đọa sâu thêm.
Nếu chúng ta có căn lành và có tâm cúng dường thanh tịnh, hai điều này gắn liền với nhau, sẽ được Hộ pháp, Long thiên và chư Bồ tát dẫn dắt chúng ta. Nhờ vậy, tự nhiên chúng ta đi đúng chỗ, gặp vị cao Tăng đức hạnh, khiến chúng ta khởi tâm cung kính, thì phẩm vật cúng dường chưa có, nhưng đã phát tâm kính tín là phước đã sinh ra cho ta. Tuy nhiên, các vị Thánh Tăng đâu dễ gặp, không phải ở đâu cũng có và không phải lúc nào cũng có Thánh Tăng. Trong lịch sử, trải qua cả ngàn năm mới có một Đức Phật Thích Ca. Dưới Phật là các vị Hiền Thanh lâu lắm mới xuất hiện và đâu phải nơi nào các ngài cũng xuất hiện. Lịch sử cho chúng ta thấy rõ nơi nào có Hiền Thánh hiện hữu, Phật pháp sẽ phát triển rất mạnh, chùa cao Phật lớn theo đó được dựng lên; nhưng khi các ngài viên tịch thì ma kéo đến để tranh giành quyền lợi dẫn đến tranh chấp, sát hại nhau làm cho Phật pháp suy sụp. Vì vậy chùa cao Phật lớn bấy giờ trở thành nơi tập họp phiền não, không thanh tịnh.
Chùa Nam Hoa, nơi lưu dấu chân của Tổ Huệ Năng, hai ngàn năm trước đã có một vị Tăng Ấn Độ đi ngang qua đây và nói rằng năm trăm năm sau nơi này sẽ có một vị Thánh Tăng đến đây xây dựng. Và quả đúng như lời tiên đoán ấy, Tổ Huệ Năng đến đó hành đạo va ngày nay nơi này trở thành trung tâm Phật giáo nổi tiếng.
Người đến cúng dường gặp Tổ Huệ Năng là vị Thánh Tăng, đương nhiên nhận được sự an lành và hoan hỷ vô cùng. Nhưng chung quanh Tổ cũng có phàm Tăng và cả ác Tăng, nghiệp Tăng nữa, không phải tất cả đại chúng ở đó là Thánh. Giống như trên núi có vàng, nhưng phải có đá sỏi gai góc nhiều hơn. Đức Phật cũng nói rằng một cây nở hoa thì cả rừng đều tỏa hương thơm, “Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương”, nghĩa là một người tu hành đắc đạo làm cho tất cả mọi người nương nhờ được thơm lây. Thật vậy, một vị tu hành tốt, tức tâm họ thanh tịnh, đức hạnh trang nghiêm, trí tuệ trong sáng thì Phật tử nhận thấy những điều tôt đẹp này tỏa sáng trong cuộc sống họ, khiến cho Phật tử dễ khởi tâm cung kính tất cả đại chúng.
Tâm của Tổ Huệ Năng là tâm Phật quá tốt đẹp, tác động qua tâm các vị phàm Tăng, ác Tăng sống chung với ngài khiến họ cũng được thơm lây. Thật vậy, họ là những người tầm thường trong xã hội, thậm chí có cả những người ác như nhóm ăn cướp thợ săn mà ngài từng sống chung với họ. Khi nghe ngài đắc đạo, họ đã tìm tới nương tựa. Dĩ nhiên với tâm bao dung, ngài đã tiếp nhận họ; được khoác vào chiếc Tăng bào, được núp bóng Tổ, được Tổ khai tâm, họ cũng thể hiện được phần nào sự tốt đẹp.
Nói đến đạo lực giáo dưỡng của các vị Hiền Thánh, chúng ta nhớ đến việc Đức Phật đã độ ông Sunita xuất thân là người hốt phân. Nhờ Đức Phật soi rọi, tâm ông trở thành trong sáng, đắc quả A la hán, khiến cho vua Ba Tư Nặc trông thấy phải kính lễ; trong khi trước đó, với vị trí thấp kém nhất trong xã hội, nếu Sunita mà để cho nhà vua trông thấy mặt là đã bị chém đầu rồi.
Hòa thượng Huê Nghiêm thường nói rằng: “Đạo chuyển cô cùng đăng quý hiển”; nghĩa là đạo có thể chuyển hóa người nghèo đói, côi cút trở thành người cao quý. Câu này cũng nhằm chỉ ngài Huyền Trang. Cha của ngài Huyền Trang là ông Trần Quang Nhiệm trên đường đi nhận lãnh chức vụ, bị người hầu cận giết chết và tên này đã cưỡng bức để sống với mẹ của ngài, lúc đó bà đang mang thai ngài. Đến khi sinh ra ngài, hắn ta đã thả ngài cho trôi sông, nhưng may mắn thay, ngài lại tấp vô chùa, nên thường bị các sư trong chùa xem thường là “trôi sông lạc chợ”. Lớn lên ở chùa tu hành, nhờ căn lành sâu dày vơi Phật pháp, ngài đã tiến tu rất nhanh, trở thành vị cao Tăng.
Vua Đường Thái Tông kính trọng ngài Huyền Trang là vị chân tu đức hạnh, nên muốn cúng dường ngài; nhưng ông nói rằng cả Trường An không có ai xứng đáng để ông cúng dường ngoài Pháp sư Huyền Trang. Ngài Huyền Trang đã trả lời rằng:
Phàm Tăng bất năng giáng phước
Dục cầu phước tiên thỉnh phàm Tăng
Nghĩa là các vị sư không có phước thì không thể ban phước cho ai được; nhưng câu sau ngài nói ngược lại rằng muốn cầu phước thì phải nhờ phàm Tăng. Có thể hiểu rằng trên bước đường tu, trước tiên chúng ta cần mượn đàn tràng hình thức có Phật, Pháp và Tăng. Không có Đức Phật thật trên cuộc đời này, chúng ta làm tượng Phật bằng gỗ, bằng giấy…; không có chơn kinh, chúng ta phải có cuốn kinh văn tự; không có vị thầy Hiền Thánh, chúng ta có phàm Tăng, để hình thành thế gian trụ trì Tam bảo.
Tuy nhiên, với tâm thành, kính tín Tam bảo, chúng ta có thể thấy xa hơn. Thật vậy, dù đối diện trước tượng Phật giấy, đọc kinh giấy trắng mực đen và nghe thầy phàm tụng kinh; nhưng nhờ căn lành, chúng ta cảm nhận được một cái gì quan trọng linh thiêng thì lúc đó, Phật giấy biến thành Phật thật, kinh văn tự biến thành chơn kinh và ông thầy phàm biến thành Thánh hiền. Đó là ý nghĩa lộng giả thành chơn, vì nhờ tâm chúng ta kính tín Tam bảo mà chuyển đổi được phương tiện Tam bảo này trở nên tốt đep.
Thực tế cho thấy khi nhà có đám tang, nhiều Phật tử nghe các thầy tụng kinh, trong lòng sung sướng, an lạc và có cảm giác là ông bà họ được siêu thoát; như vậy tai nghe ngôn ngữ, nhưng tâm nghe được chơn kinh, nên tâm họ thanh tịnh mới tác động qua vị sư tụng kinh cũng được thanh tịnh, tạo thành đạo tràng một màu thanh tịnh.
Vì vậy, khi chúng ta cúng dường với tâm kính tín, tuy làm lễ đơn giản mà thành tựu được pháp cúng dường và phước theo đó sinh ra. Trái lại, người làm lễ cúng dường linh đình, nhưng tâm ngã mạn, bất mãn nổi lên sẽ kết thành quả báo xấu là gia đình sa sút, tâm buồn phiền, người thân khó chịu với họ và thốt ra những lời nói phỉ báng, tội lỗi như cúng nhiều uổng phí. Cúng dường mà gia đình xào xáo, ly tán, buồn khổ là sai pháp hoàn toàn. Cúng dường phải sanh ra phước, người thương phải thương hơn, người chưa thương phải thương và người thù ghét thì không khởi tâm xấu ác này với mình nữa. Như vậy, điều quan trọng là cúng dường đúng pháp thì thân khỏe mạnh, tâm an lạc, gia đình hạnh phúc, bạn bè tốt với mình và cuộc sống vật chất được phát triển hơn.
Trong bốn cách cúng dường, cao nhất là cúng dường pháp. Thí dụ tôi thuyết pháp cho quý Phật tử hiểu được những điều tốt đẹp theo Phật để thực hiện trong cuộc sống, đó là pháp cúng dường, tuy không dâng phẩm vật cho Đức Phật, nhưng được Phật ngợi khen rằng có công đức lớn nhất.
Bước theo dấu chân Phật, chúng ta làm cho người phát tâm thành, kính tín Tam bảo và nguyện sống theo pháp Phật. Được như vậy là nhờ chúng ta phát tâm Bồ đề, quyết tâm thay Phật làm những việc lợi ích cho nhiều người, giúp cho họ có cuộc sống thăng hoa tri thức và đạo đức, sẽ kết thành công đức lớn lao vô cùng, không nhứt thiết phải có phẩm vật cúng dường. Đôi khi phẩm vật dâng cúng mà thực hiện sai pháp, lại bị phản tác dụng.
Mong rằng quý Phật tử thực hiện trọng trách hộ đạo, khi cúng dường nên đặt trọn vẹn niềm tin trong sáng nơi Tam bảo mà khởi tâm cung kính, tôn trọng và phát tâm dâng cúng phẩm vật để thành tựu được bốn pháp cúng dường: phẩm vật cúng dường, tâm cúng dường, hạnh cúng dường và pháp cúng dường.
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
(Theo giacngo.vn)
Cám ơn Quý khách đã dành thời gian ghé thăm website
QUATANGPHONGTHUY.COM.VN và đọc bài viết này