2.964 giới tử phát nguyện thọ giới tại 2 Giới đàn Huệ Lưu (2008) và Hành Trụ (2011) do Phật giáo TP.HCM tổ chức. Nhân các Đại giới đàn này đã có hơn 3.500 Tăng Ni, Phật tử thọ giới Bồ-tát. Ngoài ra, trong 5 năm qua, Ban Tăng sự đã chứng nhận cho 1.595 Phật tử xin xuất gia (trong đó có 851 Ưu-bà-tắc và 744 Ưu-bà-di). Liên quan đến công tác Tăng sự của Phật giáo TP, nhiệm kỳ qua Thành hội cũng đề nghị TƯGH duyệt cấp mới 1.328 Giấy chứng nhận Tăng Ni.
Lễ tổng khai giảng khóa An cư kiết hạ của Phật giáo TP.HCM hàng năm - Ảnh: Bảo Toàn
8.737 Tăng Ni hiện đang tu học và sinh hoạt tại TP.HCM, đông nhất cả nước. Theo đó, có 7.967 chư Tăng Ni Bắc tông (Tăng: 3500 vị; Ni: 4.467 vị); 450 chư Tăng Ni Khất sĩ (Tăng: 200 vị, Ni: 250 vị); 70 chư Tăng Nam tông (Nam tông Kinh: 40 vị, Nam tông Khơ-me: 30 vị); 250 chư Tăng Ni thuộc Phật giáo người Hoa (Tăng: 110 vị; Ni: 150 vị). Thực hiện công tác nhập hộ khẩu cho 112 Tăng Ni và chuyển sinh hoạt Phật sự 86 Tăng Ni đến các tỉnh, thành khác.
Trung bình, mỗi năm có trên 26 điểm an cư tập trung với trên 2.500 Tăng Ni an cư tại các điểm. Trong đó, Thành hội đều đặn tổ chức trường hạ tập trung cấp thành phố tại chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình), chùa Từ Nghiêm (Q.10), chùa Kim Sơn (Q.Phú Nhuận); chùa Vĩnh Phước (Q.12) và trên 22 trường hạ tập trung tại các quận, huyện. Ngoài ra còn có 87 điểm an cư tại chỗ với trên 3.000 Tăng Ni. Riêng chư Tăng Phật giáo Nam tông, an cư theo truyền thống hệ phái tại các trú xứ, thời gian bắt đầu từ 16-6 (ÂL), kết thúc vào ngày 15-9 (ÂL). Ban Thường trực BTS đã đề nghị Ban Tăng sự TƯGH duyệt cấp 1.543 chứng điệp an cư lần đầu, mỗi năm xác nhận trên 2.000 chứng điệp an cư tập trung và cấp trên 5.000 Giấy chứng nhận an cư cho Tăng Ni toàn TP.
1.162 cơ sở tự viện (tính đến tháng 8-2012). Trong đó, có 1.046 cơ sở Bắc tông, 20 cơ sở Nam tông (Nam tông Kinh: 18 cơ sở; Nam tông Khmer: 2 cơ sở), 41 tịnh xá, 54 tự viện Phật giáo người Hoa. Đến nay đã có 6 cơ sở được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và thành phố, gồm chùa Trường Thọ (Q.Gò Vấp) - cấp quốc gia; chùa Xá Lợi (Q.3), chùa Ấn Quang (Q.10), chùa Long Thạnh (Q.Bình Tân), chùa Tập Phước (Q.11) và chùa Thiên Phước (Q.8) - cấp thành phố. Thực hiện Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan chức năng thành phố và quận, huyện, Ban Thường trực Ban Trị sự đã ra quyết định bổ nhiệm trụ trì, Ban Quản trị, Ban Hộ tự và hợp thức hóa trụ trì cho 293 cơ sở tự viện của Giáo hội toàn thành phố nhiệm kỳ qua, xây dựng mới, trùng tu 128 cơ sở, xin cấp quyền sử dụng đất cho 108 cơ sở.
Đại lễ Phật đản do PG TP.HCM tổ chức - Ảnh: Bảo Toàn
4.000.000 tín đồ Phật tử. Theo đó, có 240 đạo tràng tu học với đa dạng hình thức đáp ứng nhu cầu tu học của cư sĩ Phật tử, số lượng thường xuyên tu tập lên đến 37.734 Phật tử; 54 lớp giáo lý phục vụ cho nhu cầu học tập với khoảng 7.800 Phật tử; 28 giảng đường lớn phục vụ cho nhu cầu nghe pháp của 5.500 Phật tử; 22 đơn vị Gia đình Phật tử VN với số lượng 1.403 đoàn sinh. Phật giáo thành phố cũng đã tổ chức 4 kỳ hội trại cho sinh viên học sinh Phật tử, với số lượng khoảng 2.500 người tham dự cho mỗi kỳ; 8 khóa tu mùa hè dành cho sinh viên đại học và cao đẳng, với số lượng khoảng 3.000 người tham dự cho mỗi khóa; tổ chức tiếp sức mùa thi cho 22.000 lượt thí sinh thi đại học.
787 Tăng Ni sinh tốt nghiệp trung cấp Phật học 5 năm qua tại TP.HCM. Hiện có 884 Tăng Ni sinh đang theo học cấp độ này tại Trường Trung cấp Phật học TP.HCM. Song song, có 520 Tăng Ni sinh tốt nghiệp cao đẳng Phật học (560 Tăng Ni sinh hiện đang học năm thứ III) và 1.000 Tăng Ni được cấp chứng chỉ tốt nghiệp sơ cấp Phật học. Ngoài ra, 1.400 Tăng Ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học và hiện 1.800 Tăng Ni sinh đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Nhờ làm tốt công tác giáo dục, Phật giáo thành phố hiện có 40 Tăng Ni có bằng tiến sĩ Phật học, 140 Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân Phật học, 250 Tăng Ni tốt nghiệp cao đẳng Phật học, 606 Tăng Ni tốt nghiệp trung cấp Phật học và 929 Tăng Ni đã qua các lớp sơ cấp Phật học.
Hội thi giáo lý dành cho Phật tử tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Thiên
100 giảng sư thuộc Đoàn Giảng sư Thành hội Phật giáo TP.HCM. Con số này đáp ứng đủ nhu cầu thuyết giảng không chỉ riêng TP.HCM mà còn trợ duyên cho các tỉnh, thành khác trong cả nước, đặc biệt trong những Phật sự trọng đại như: Đại lễ Phật đản, An cư kiết hạ, Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Kỷ niệm 700 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, 1.000 năm Quốc sư Khuông Việt, cung nghinh ngọc xá-lợi. 5 năm qua, Phật giáo thành phố đã tổ chức 130 khóa tu Một ngày an lạc và hàng ngàn khóa tu Thiền chỉ, Thiền quán, Niệm Phật cho đông đảo Phật tử tham gia.
333 đầu sách Phật giáo được ấn hành trong nhiệm kỳ qua với số lượng ấn bản 684.000 quyển đáp ứng tương đối các nhu cầu học đạo của đại chúng Tăng Ni, Phật tử, số lượng chủ yếu do Tổ In ấn và Phát hành kinh sách thuộc THPG thực hiện. Toàn thành phố có hơn 30 phòng phát hành kinh sách. Song song đó, ngành văn hóa cũng đã tham mưu cho Thành hội kết hợp chính quyền thành phố trong công tác xây dựng Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8 (quận 3). Ngoài ra, Ban Văn hóa còn triển khai tổ chức các hoạt động Phật sự trong những ngày lễ lớn của Giáo hội như: Đại lễ Phật Đản (nhất là Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam năm (2008), Đại lễ Vu lan Báo hiếu hàng năm, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 1.000 năm Quốc sư Khuông Việt, 700 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, 30 năm ngày thành lập GHPGVN với các chương trình triển lãm mỹ thuật Phật giáo, văn nghệ như: Vầng trăng mẹ, ngàn đóa hoa dâng Đức Phật, Vu Lan đồng vọng, Cuộc đời Đức Phật, Duyên trần thoát tục...
Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức – Công trình nhiệm kỳ của PG TP.HCM - Ảnh: Giang Phong
786 tỷ đồng là tổng số tiền dành cho công tác từ thiện xã hội của Phật giáo TP nhiệm kỳ VII. Hoạt động TTXH của Tăng Ni, Phật tử TP.HCM đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước từ miền Bắc, miền Trung, cao nguyên, đồng bằng sông Cửu Long nhằm xoa dịu nỗi đau cho những người kém may mắn, đem lại niềm tin yêu trong cuộc sống. Công tác từ thiện của Phật giáo thành phố còn triển khai đến các nước bạn bị thiên tai thảm họa như: Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản… Phật giáo thành phố hiện có hệ thống Tuệ Tĩnh đường khám chữa bệnh miễn phí; 5 Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật tại các tự viện: chùa Diệu Giác (Q.2), Linh Quang tịnh xá (Q.4), chùa Long Hoa (Q.7), Kỳ Quang II (Q.Gò Vấp) và Pháp Võ (H.Nhà Bè), tổng số là 922 em; 4 cơ sở nuôi người già neo đơn tại: chùa Pháp Quang và Lâm Quang (Q.8), Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh) và Hoằng Pháp (H.Hóc Môn), với tổng số là 800 cụ; 14 lớp học tình thương: chùa Vạn Thọ (Q.1), Diệu Giác (Q.2), Hưng Phước (Q.3), Long Hoa, Phước Thiện (Q.7), Phước Long (Q.9), Huỳnh Kim, Long Huê (Q.Gò Vấp), Châu Lâm (Q.Bình Thạnh), Từ Bi (Q.Tân Bình), Liên Hoa (H.Bình Chánh)…, tổng số là 1.133 học sinh; 4 cơ sở tư vấn người nhiễm HIV/AIDS tại chùa Diệu Giác (Q.2), Kỳ Quang II (Q.Gò Vấp), Linh Sơn (Q.Bình Thạnh), Quang Thọ (Q.Tân Bình).
20 phái đoàn Phật giáo quốc tế đã đến thăm và làm việc với Thành hội trong 5 năm qua. Phật giáo thành phố cũng đã tham gia phái đoàn Phật giáo Việt Nam dự trên 20 cuộc tọa đàm, hội thảo, họp mặt với các Hội Hữu nghị Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Hoa, Nhật, Pháp, Mỹ, Úc; tham dự các hội nghị Phật giáo quốc tế tại Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Hungary, Nga, Trung Quốc…
Gia Trúc tổng hợp
(Theo giacngo.vn)